Cải thiện cho được thành tích thể thao Việt Nam
VHO- Vào trung tuần tháng 12, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng sẽ chủ trì Hội nghị bàn về các giải pháp nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam. Đây là Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức nhằm tìm lời giải cho những vấn đề cấp bách của thể thao Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Để công tác chuẩn bị cho Hội nghị được chu đáo, chiều qua 7.12, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với Cục Thể dục thể thao và các đơn vị liên quan về công tác chuẩn bị cho Hội nghị. Cùng dự có Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương.
Phát huy sức mạnh của các địa phương, Liên đoàn, Hiệp hội
Theo báo cáo của Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt, đây là Hội nghị được tổ chức với sự tham gia của đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, các nhà khoa học, các chuyên gia về thể dục thể thao, đại diện cho các Liên đoàn, Hiệp hội, đại diện địa phương…
Chỉ đạo về thành phần tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh yêu cầu cần mời 63 tỉnh, thành tham dự. Trên thực tế, muốn phát triển thể thao nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng thì không thể tách được vai trò của các địa phương, và các địa phương chính là nơi phát hiện, đào tạo ra các tài năng; xây dựng lực lượng ở tuyến cơ sở cho các đội tuyển quốc gia. Địa phương có mạnh thì chân đế của thể thao thành tích cao mới vững và lực lượng kế thừa mới hùng hậu. Bên cạnh đó cũng không thể không nhắc đến vai trò của thể thao học đường. Bộ trưởng yêu cầu một thành phần không thể thiếu trong Hội nghị là đại diện của Bộ GD&ĐT. Các Bộ như Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT cũng cần được mời tham dự để có thể giúp cho thể thao Việt Nam dần tháo gỡ được những vướng mắc về cơ chế, chính sách. Ngoài ra còn là vai trò của các Liên đoàn, Hiệp hội trong việc tổ chức các giải đấu, kế hoạch đào tạo, tập huấn, thi đấu của các đội tuyển… Mối quan hệ giữa Cục Thể dục thể thao và các Liên đoàn, Hiệp hội phải tốt mới tạo được sức mạnh tổng thể để phát triển thể thao thành tích cao.
Toàn cảnh buổi làm việc
Về nội dung, dự kiến Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 sẽ tập trung vào 2 nội dung chính: Định hướng mục tiêu và giải pháp phát triển thể thao thành tích cao trong thời gian tới, đặc biệt là các kỳ Olympic, Asian Games và SEA Games từ nay cho đến năm 2030. Thảo luận các giải pháp cụ thể nhằm giành huy chương Olympic tại các kỳ năm 2024 và 2028; HCV Asian Games năm 2026 và 2030, HCV SEA Games vào các năm 2025, 2027, 2029.
Hội nghị dự kiến sẽ có các tham luận bổ ích được trình bày từ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực TDTT. Trong đó, nội dung tham luận tập trung vào các vấn đề: Đổi mới, sáng tạo trong phát triển thể thao thành tích cao; các giải pháp ứng dụng khoa học trong công tác huấn luyện, đào tạo VĐV thể thao thành tích cao; đổi mới công tác quản lý HLV, VĐV đội tuyển tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia; công tác xã hội hóa thể thao thành tích cao…
Phải thực chất, tìm ra được giải pháp thiết thực
Chỉ đạo về nội dung tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, báo cáo trung tâm cần cô đọng, ngắn gọn, phân tích rõ để thấy được những vấn đề mà thực trạng đặt ra và giải pháp để khắc phục. Bộ trưởng mong muốn sau Hội nghị, Thể thao Việt Nam cần phải rút ra được những kinh nghiệm quý, tạo được sự đồng thuận trong xã hội để phát triển thể thao thành tích cao; các ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, nhấn được vào trọng tâm, trọng điểm là những khó khăn, vướng mắc của thể thao Việt Nam để từ đó cùng luận bàn, tìm cách tháo gỡ.
Hội nghị nhằm tìm ra các giải pháp để nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam tại đấu trường Asian Games, Olympic
Bộ trưởng yêu cầu, ngành thể thao cần phân tích để thấy rõ nguyên nhân của những thành công và tồn tại, hạn chế qua việc tham dự các kỳ Đại hội và gần đây nhất là tại Asian Games 19 để từ đó rút ra bài học cần thiết. Thể thao Việt Nam cũng cần phải xem lại công tác cũng như quy trình từ công tác phát hiện, đào tạo, huấn luyện. Chúng ta đã thực sự xây dựng đội ngũ những người thầy, chuyên gia giỏi cho công tác huấn luyện? Về công tác này cần kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, nếu việc huấn luyện chưa thực sự hiệu quả. Cục Thể dục thể thao cũng cần nghiên cứu xem xét, kiến nghị gì với Bộ, để Bộ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc về chế độ, chính sách cho tập huấn, thi đấu nâng cao thành tích, nhất là việc huy động được các nguồn lực xã hội hóa để phát triển thể thao Việt Nam nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng.
Ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của Cục Thể dục thể thao, Bộ trưởng đánh giá trong thời gian qua thể thao Việt Nam đã phát triển dựa trên 2 trụ cột là thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Về thành tích của thể thao thành tích cao, những kết quả đạt được tại đấu trường khu vực là đáng để ghi nhận, gần đây nhất là kết quả dẫn đầu toàn đoàn tại SEA Games 32. Tuy nhiên nếu đi vào cụ thể thì thành tích ở nhiều môn còn chưa thật sự ổn định, lúc trồi, lúc sụt; ra đấu trường Asian Games và Olympic vẫn còn một khoảng cách và chưa đáp lại sự kỳ vọng của người hâm mộ. Chính vì vậy, ngành cần một chiến lược tổng thể phát triển dài hạn. Để giải quyết những vấn đề cấp bách, Hội nghị cần bàn sâu về các giải pháp giúp cho lĩnh vực thể thao có được những cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn, từ đó trả lời cho được câu hỏi đã trăn trở bấy lâu nay, là làm sao cải thiện được thành tích của thể thao Việt Nam trên đấu trường Asian Games và Olympic. Trên cơ sở đó sẽ thấy được giải pháp căn cơ, lâu dài và dự đoán thành tích trong thời gian tới.
Cua - rơ Nguyễn Thị Thật đã giành vé Olympic 2024 Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Có thể nói sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, thể thao thành tích cao của nước ta đã có sự tiến bộ rõ nét, khẳng định vị thế trong khu vực Đông Nam Á và bước đầu tiếp cận trình độ thể thao ở châu lục và thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển thể thao thành tích cao của nước ta so với các nước trong châu lục và thế giới đang gặp những thách thức lớn đòi hỏi cần đổi mới tư duy và cách làm thể thao thành tích cao. Thực tiễn qua Olympic 2020, Asian Games 2018 và 2022 cũng chỉ ra rằng, đã tới lúc Thể thao Việt Nam tiếp tục có sự nhận diện mới về cách thức đầu tư cho thể thao thành tích cao, và nếu chúng ta không thay đổi cách đầu tư thì rất khó đạt kết quả tích cực tại Asian Games và Olympic trong giai đoạn tới. Xuất phát từ lý do đó, Bộ VHTTDL giao Cục Thể dục thể thao xây dựng tổ chức Hội nghị bàn về những giải pháp cải thiện thành tích của thể thao thành tích cao nhằm định hướng và đưa ra các giải pháp lớn đóng vai trò “kim chỉ nam” cho việc xây dựng các kế hoạch, định hướng mục tiêu, giải pháp cho thể thao thành tích cao phát triển, vươn tầm châu lục và thế giới tương xứng với vị thế của Việt Nam trong thời gian tới.
Để hoạch định và có những hướng đi mới, hiệu quả hơn, chất lượng hơn về khâu tuyển chọn, đào tạo VĐV đỉnh cao phục vụ cho chiến lược phát triển dài hạn có thể cạnh tranh sòng phẳng với những quốc gia mạnh trong châu lục và thế giới thì ngay từ lúc này các nhà quản lý, đội ngũ làm công tác chuyên môn, huấn luyện phải thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận, phân tích cụ thể những khó khăn, hạn chế đối với từng bộ môn thể thao thành tích cao. Do đó, Hội nghị lần này nên tổ chức theo phương thức mở, tức là như một diễn đàn, lắng nghe những ý kiến đóng góp tích cực, cũng như trái chiều về những mặt được và chưa được của thể thao thành tích cao Việt Nam từ các thành viên dự Hội nghị. (Ông TRẦN VĂN MẠNH, Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam) |
THU SÂM; ảnh: QUÝ LƯỢNG - THÁI DƯƠNG